Sự khác biệt của Việt Nam năm 2023 với những cuộc suy thoái kinh tế trước và điều làm thay đổi “chất” của doanh nghiệp
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê quý I, tổng sản phẩm trong nước ước tính tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức thấp hơn chỉ tiêu được Quốc hội giao (6,5%) và là mức tăng gần như thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua trừ giai đoạn quý I/2020 khi dịch bệnh bùng phát.
Báo cáo công bố mới đây của Payoo nhận xét, không đợi đến quý I năm nay, dấu hiệu của một nền kinh tế khó khăn đã bắt đầu từ quý IV/2022. Trong kế hoạch năm 2023, nhiều lãnh đạo đã phải viết lại chiến lược, chuyển từ chế độ “tấn công” sang “phòng thủ”. Các biện pháp sa thải nhân sự, cắt giảm chi phí cho những hoạt động tiêu tốn nhiều nguồn lực như R&D (nghiên cứu và phát triển), tạm ngưng mở mới điểm bán hay thậm chí cắt lỗ để tồn tại là những hành động quyết liệt để “bật chế độ an toàn” đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
Những dấu hiệu xấu đi của nền kinh tế đang khiến cả xã hội “thu mình” lại và cẩn trọng trước mọi biến động của thị trường. Nhưng theo Payoo, nhìn một cách tích cực, sau một thời gian dài tăng trưởng nóng, chu kỳ điều chỉnh hiện tại là cần thiết để nền kinh tế trở về trạng thái cân bằng để phát triển bền vững hơn.
Có thể nhìn thấy rõ nhất sự khác biệt của khó khăn kinh tế ở hiện tại với những lần suy thoái trong quá khứ. Nhờ sự chuẩn bị, đón đầu của tất cả các bên: Chính phủ – Doanh nghiệp – Người dân, những thách thức kinh tế hiện tại có thể không đáng lo ngại, thậm chí mang lại nhiều ý nghĩa tích cực.
Tại Việt Nam, nhận định được những thách thức của nền kinh tế, Chính phủ cũng phản ứng nhanh khi tích cực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất điều hành. Những việc làm trên đã tạo tâm lý tích cực cho người dân, hỗ trợ người lao động có việc làm và tháo gỡ khó khăn cho thị trường vốn, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Về phía doanh nghiệp, sau nhiều “cú bồi” từ đại dịch đến đứt gãy chuỗi cung ứng, sau những lần tăng nóng về nhân sự của các doanh nghiệp hoạt động trực tuyến, họ đã có những bài học giá trị để quy hoạch lại nhằm thích ứng với những biến động thị trường.
Đặc biệt, chuyển đổi số là điều đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế – xã hội và “chất” của doanh nghiệp.
Bằng việc áp dụng các công cụ quản trị tổng thể từ các giải pháp số hoá toàn bộ quy trình điều hành nhân sự, quản lý kho bãi, bán hàng, marketing, hậu mãi, tài chính… các doanh nghiệp đã giảm tải phần lớn các tác vụ đơn giản, tối ưu hiệu quả công việc và phát triển nhanh gấp nhiều lần so với trước kia.
Đơn cử là trường hợp của một doanh nghiệp “truyền thống” với tuổi đời nửa thế kỷ: Traphaco. Là doanh nghiệp Đông dược số 1 tại Việt Nam, Traphaco đã xây dựng và thực thi chiến lược mới, bước chân sang mảng ngoài Đông dược với sự hỗ trợ của đối tác Hàn Quốc. Cùng với định hướng mới, Traphaco chuyển đổi số để giữ vững vị thế, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, Traphaco đã áp dụng công nghệ quản lý hiện đại như nâng cấp hệ thống DMS hỗ trợ tốt việc quản trị và vận hành tái cấu trúc khối kinh doanh ngay từ giai đoạn đầu; triển khai báo cáo thông minh BI, triển khai các hệ thống ERP, DMS…
Đặc biệt, ngay từ giai đoạn 2013-2014, Traphaco đã có những bước đi đầu tiên trong việc Cá nhân hóa khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng nhà thuốc, người tiêu dùng của mình.
Nhờ triển khai hệ thống DMS để quản trị hệ thống phân phối từ công ty đến chi nhánh/nhà phân phối và khách hàng, dữ liệu mua hàng của từng nhà thuốc được lưu trữ và cập nhật theo ngày, từ đó các gam hàng thường lấy và khả năng tài chính của nhà thuốc được thể hiện, giúp Trình dược viên nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của nhà thuốc để tư vấn sản phẩm.
Công cụ này phát huy vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi hệ thống bán hàng với mục tiêu đảm bảo chính xác lợi nhuận của nhà thuốc; các mức chiết khấu, khuyến mại theo chương trình bán hàng đều được cài đặt, tính toán, và thông báo ngay cho Trình dược viên và khách hàng nhà thuốc.
Bên cạnh đó, để giúp ban lãnh đạo công ty có góc nhìn trực quan nhanh chóng về hệ thống kinh doanh, Traphaco đã triển khai báo cáo thông minh BI trên nền tảng dữ liệu tích hợp DMS. Dashboard báo cáo BI trực quan và cung cấp nhiều dữ liệu có liên quan sẽ giúp nhà quản trị đánh giá khả năng tài chính, phân loại nhằm đưa ra cảnh báo cũng như tiềm năng của từng khách hàng, từ đó có những chính sách phù hợp từng đối tượng.
“Chuyển đổi số đã giúp Traphaco “bịt các lỗ hổng”, tối ưu tài nguyên trong thời gian qua. Đó tiếp tục là “vũ khí” để Traphaco nâng cao hiệu quả hoạt động trong tương lai” – Lãnh đạo công ty cho biết.
Trở lại với báo cáo của Payoo, đơn vị này vẫn chọn góc nhìn lạc quan về tăng trưởng kinh tế tích cực trong trung và dài hạn: “Chúng tôi đánh giá những giai đoạn thách thức này giúp tạo ra một thế hệ doanh nghiệp và người lao động có sức chống chịu tốt hơn để vượt qua khó khăn, hướng đến sự tăng trưởng bền vững”.